3. Một số nhóm dễ cảm nhiễm hơn với HIV
Nói chung, mọi người đều có thể bị nhiễm HIV nếu không có các hành vi an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế có một số người dường như có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.
3.1. Những người dễ bị nhiễm HIV lây qua đường tình dục
- Người đồng tính luyến ái nam giao hợp qua hậu môn dễ lây bệnh hơn vì niêm mạc hậu môn, trực tràng dễ bị xây xước do mỏng hơn và thiếu dịch nhờn.
- Người mua-bán dâm, cũng do dễ bị xây xước (quan hệ tình dục không tình yêu), do xác xuất gặp người nhiễm HIV nhiều hơn...;
- Người ép dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm...và người "bị" ép dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm... cũng do dễ bị xây xước;
- Càng quan hệ tình dục với nhiều người, xác suất gặp người nhiễm HIV càng cao nên càng dễ có khả năng bị lây nhiễm. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chỉ quan hệ một lần cũng đã mắc bệnh.
- Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai hoặc người bị các bệnh ở cơ quan sinh dục (viêm loét do bẩn hoặc trầy xước do vết thương...) vì HIV dễ dàng qua các vết loét, sây sát...
3.1.1. Phụ nữ dễ bị lây nhiễm HIV qua đường tình dục hơn nam giới, vì
- Về mặt cấu tạo: Tổng diện tích niêm mạc âm đạo lớn hơn nhiều so với diện tích niêm mạc của cơ quan sinh dục nam, do vậy diện tiếp xúc với dịch sinh dục trong tình dục là lớn hơn...;
- Về mặt sinh học: Tinh dịch của nam chứa nhiều HIV hơn dịch âm đạo, làm cho phụ nữ có nguy cơ nhiễm cao hơn so với nam giới
Trong quan hệ tình dục, tinh dịch có thể đọng lại trong âm đạo lâu hơn so với dịch âm đạo trong cơ quan sinh dục nam, làm tăng thời gian tiếp xúc giữa bề mặt âm đạo với dịch sinh dục nam...
- Về mặt xã hội: Cũng có nhiều yếu tố làm cho phụ nữ dễ tiếp cận các nguy cơ lây nhiễm, như phụ nữ thường là người “bị động” trong quan hệ tình dục, là “đối tượng” bị ép dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm (trong các trường hợp này, nguy cơ nhiễm rất cao vì bị xây xước cơ quan sinh dục); phụ nữ hay phải truyền máu do ốm đau, sinh đẻ bị mất máu nhiều...
3.1.2. Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục dễ bị lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục hơn
HIV có quan hệ chặt chẽ với các bệnh lây truyền quia đường tình dục (BLTQĐTD), đặc biệt là các bệnh gây viêm loét bộ phận sinh dục như hạ cam, giang mai. Khi một người mắc bệnh LTQĐTD mà có vết loét ở bộ phận sinh dục thì nguy cơ nhiễm HIV khi quan hệ tình dục với người nhiễm sẽ tăng lên từ 50- 300 lần. Những vết loét đường sinh dục cho phép HIV xâm nhập vào máu. Một số bệnh LTQĐTD như herpes simplex, giang mai... làm giảm khả năng miễn dịch và cũng có thể làm tăng tính cảm nhiễm với HIV. Dịch tiết từ các vết loét sinh dục cũng chứa nhiều các tế bào bị nhiễm HIV...
3.2. Những người tiêm chích ma túy dễ bị nhiễm HIV qua đường máu hơn
Dùng chung bơm, kim chích không khử trùng là con đường lây HIV từ người này sang người khác phổ biến nhất và nhanh nhất. Bởi HIV có thể sống trong giọt máu “mini” ở kim tiêm đến 7 ngày.
Dùng chung ống thuốc gây nghiện cũng có thể bị lây nhiễm, bởi máu dính ở bơm, kim tiêm có thể “chui” vào ống thuốc sau mỗi lần lấy thuốc.
Người nghiện thường mất khả năng điều chỉnh hành vi, nên thường quan hệ tình dục với nhiều người và không sử dụng các biện pháp an toàn... nên còn dễ bị lây nhiễm qua con đường tình dục;
"Mật độ" người nhiễm HIV trong nhóm người chích ma tuý cao nên xác suất họ gặp nhau trong tiêm chích là ráat lớn;...
Người nghiện vốn đã suy yếu do độc chất gây nghiện, nếu nhiễm HIV dễ sinh ra các bệnh nguy hiểm, đưa nhanh đến giai đoạn AIDS...
Người nghiện đã nhiễm HIV, nếu tiếp tục tiêm chích sẽ nguy hiểm hơn vì có thể gây nhiễm sang người khác, còn bản thân họ có thể bị bội nhiễm HIV hoặc các bệnh khác... làm cho tình trạng nhiễm HIV nhanh chóng trở nên tồi tệ.


4. Những đường không làm lây truyền HIV
Các nghiên cứu đã chứng minh được rằng, ngoài máu, dịch sinh dục, sữa của mẹ, HIV còn có trong các dịch cơ thể khác như nước bọt, nước mắt, nước tiểu, mồ hôi... của người nhiễm HIV, nhưng với nồng độ rất thấp, không đủ ngưỡng để gây lây nhiễm khi tiếp xúc với các lọai dịch này. Do vậy, HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường, như:
- Các hành vi giao tiếp thông thường;
- Ho, hắt hơi, nước bọt, nước mắt, mồ hôi;
- Cùng làm việc, cùng học, ở cùng nhà, cùng ngồi trên phương tiện giao thông, cùng đi chợ, ngồi trong rạp hát, rạp chiếu bóng...;
- Dùng chung nhà vệ sinh, buồng tắm, bể bơi công cộng. . .
- Muỗi và các côn trùng khác đốt không làm lây nhiễm HIV...
Như vậy, chúng ta có thể sống, làm việc, học tập... chung với người nhiễm HIV mà không sợ bị lây nhiễm HIV nếu ta không có sự tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch sinh dục và các dịch sinh học khác của họ.