Cao Bằng: Gần 5.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện
Thứ năm 16/06/2016 16:44
Tỉnh Cao Bằng phấn đấu ít nhất 50% số phụ nữ từ 15 - 49 tuổi được tiếp cận với các thông tin về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 50% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV; 75% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng sớm; 75% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng ARV và được cung cấp sữa ăn thay thế.


Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai- Ảnh minh họa

Là một trong những chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS, trong những năm qua, Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã góp phần hạn chế tốc độ gia tăng số người nhiễm HIV, đặc biệt là giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Với chủ đề “Loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con”, trong tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 (tháng 6), Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Cao Bằng triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu loại trừ HIV từ mẹ sang con hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Cùng với cả nước, tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho cộng đồng nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV theo con đường này.  

Ngoài ra, các hoạt động được tiến hành thường xuyên như tư vấn, tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV.

Trong tháng cao điểm, các cơ sở y tế trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như cung cấp thông tin qua tờ rơi, panô, áp phích. Tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai, đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV đến các cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.

Để công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả và tiến tới loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cần có sự tham gia của các cấp các ngành và toàn thể xã hội, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Tăng cường và triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và hiểu biết về HIV/AIDS cho người dân. Phụ nữ mang thai cần đến khám thai và xét nghiệm HIV để phát hiện sớm tình trạng nhiễm, tốt nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tuyên truyền về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV cho phụ nữ mang thai.

Theo số liệu từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát hiện mới 08 trường hợp nhiễm HIV, 4 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 5 trường hợp tử vong do AIDS, nâng tổng số lũy tích trường hợp nhiễm HIV toàn tỉnh là 2.171 trường hợp, lũy tích trường hợp bệnh nhân AIDS là 1.644; trường hợp đã tử vong do AIDS là 1.041. Số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 1.130 người, trong đó có 25 bệnh nhân trẻ em. Các chương trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS được duy trì và hỗ trợ kịp thời.

Riêng trong năm 2015 đã có 4.990 phụ nữ mang thai được tư vấn và làm xét nghiệm HIV tự nguyện; 518 người lớn và 24 trẻ em đang được điều trị ARV và 1.479 lượt bệnh nhân được điều trị nhiễm trùng cơ hội.

Thúy Vân