May mắn vì điều trị dự phòng HIV sớm

Thứ hai 23/05/2016 14:07

Khi đứa con của chị chào đời, nhìn thấy cháu bé khóc to và khỏe mạnh, cả gia đình chị mừng lắm. Niềm vui trào dâng thể hiện rõ trên khuôn mặt của từng thành viên trong gia đình.


Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng sớm - Ảnh minh họa
Niềm hạnh phúc vỡ òa…

Lúc đó, chị Hoa (sống tại Vũng Tàu) chỉ muốn hét lên vì sung sướng. Các bác sĩ nói rằng phải sau 6 tuần nữa xét nghiệm cho con, nếu kết quả HIV âm tính thì mới khẳng định là cháu không bị nhiễm HIV.

Trong suốt thời gian sau đó, chị đã hồi hộp chờ đợi từng giây từng phút… Chị hy vọng nhiều lắm, nhưng rồi có lúc lại thoáng buồn bởi biết đâu số mình không may mắn. Nhỡ đâu kết quả xét nghiệm cho con lại dương tính thì sao?!

Những ngày chờ đợi sau đó sao chị thấy lâu thế. Chị chỉ muốn mỗi ngày trôi qua thật nhanh, thật nhanh để chị nhanh chạm tới “đích”. Và 6 tuần sau ấy đã đến, chị đưa con đi xét nghiệm sớm HIV bằng kỹ thuật mới. Lại chờ phấp phỏng và chờ đợi tiếp 1 tuần nữa. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV âm tính của con chị thấy lâng lâng, niềm vui lúc này mới thực sự vỡ oà, những giọt nước mắt đã tuôn ra mà chị không thể nào cầm được.

Chị Hoa chia sẻ, phát hiện ra mình nhiễm HIV vào tháng thứ 4 của thai kỳ, may mắn đúng lúc đó chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại Vũng Tàu. Ngay lập tức, chị được các bác sĩ Khoa sản, Bệnh viện Lê Lợi tư vấn rồi đưa vào điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trước khi vào chương trình điều trị, chị được các bác sĩ ở đây tư vấn cặn kẽ về lợi ích của việc điều trị dự phòng này. Hiểu được tầm quan trọng của việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nên chị đã tuyệt đối tuân thủ điều trị và tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Ngoài ra, chị còn chú ý tới dinh dưỡng, ăn uống hàng ngày để có thêm chất bổ nuôi con. Bây giờ, đứa con là động lực sống, giúp cho vợ chồng chị vững tin và sống có ý nghĩa hơn.

Nằm trong niềm vui ấy còn có chị Kim Phượng (cũng ở thành phố Vũng Tàu). Đến nay, con chị đã hơn 2 tuổi, cháu cũng không bị HIV mặc dù chị Phượng bị nhiễm HIV. Chị Phượng cho biết, trước đây chị chẳng hiểu biết gì nhiều nên chỉ biết mình nhiễm HIV khi thai đã 7 tháng. Vì thế, chị được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con lúc mang thai muộn. Chị cũng đã được bác sĩ tư vấn cần điều trị bằng thuốc ARV ngay dù muộn vẫn hơn không và chị đã tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, con chị sinh ra cũng đã được điều trị phơi nhiễm HIV từ ngay sau khi sinh. Và điều thật bất ngờ, con trai chị cũng là một trong số những trẻ may mắn không bị nhiễm HIV từ mẹ.

Nhiều lợi ích của điều trị sớm


Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu không can thiệp gì thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 25-40%. Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Lan Dung công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong số những trẻ nhiễm HIV từ mẹ có tới 25% trẻ nhiễm trong giai đoạn trước sinh tức là con nhiễm HIV khi giai đoạn mang thai trong tử cung, 50% là trẻ nhiễm HIV do mẹ truyền sang khi đẻ (lúc chuyển dạ và sinh con) và khoảng 25% là sau đẻ (qua bú mẹ).

Nồng độ virus (tải lượng virus) trong máu thai phụ nhiễm HIV là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tải lượng virus càng cao, khả năng lây truyền càng lớn. Tải lượng virus của mẹ cao nhất thường khi mới nhiễm HIV và giai đoạn AIDS tiến triển.

Tuy nhiên, nếu người mẹ được phát hiện sớm nhiễm HIV và điều trị dự phòng sớm bằng thuốc ARV khi mang thai thì nồng độ HIV sẽ ở mức thấp và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm thậm chí chỉ còn dưới 2%. Ở Việt Nam, qua các nghiên cứu gần đây cho thấy các can thiệp về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang khi được triển khai rộng rãi đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, hiện chỉ còn dưới 5%.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) các can thiệp lây truyền HIV từ mẹ sang gồm: Dự phòng sớm để các cặp vợ chồng không bị nhiễm HIV; Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ đã nhiễm HIV và Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; Sử dụng thuốc ARV sớm cho bà mẹ nhiễm HIV khi mang thai; Các thực hành sản khoa an toàn; Chăm sóc và tiếp tục điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV.

Hiện nay, Bộ Y tế đã áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới là điều trị ngay ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng.

Theo PGS. TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thì đây chính là điểm ưu việt của chương trình. Những phụ nữ mang thai khi được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị miễn phí ngay bằng phác đồ 3 thuốc, mà không quan tâm đến số lượng tế bào CD4 và tiếp tục điều trị suốt đời. Những đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị luôn và được tư vấn về các lựa chọn nuôi dưỡng cho trẻ.

Vì vậy, phụ nữ mang thai biết mình nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai, muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng sớm. Nếu điều trị muộn hơn kết quả sẽ bị hạn chế.