Methadone có phải là “thuốc tiên”?


24/12/2013 16:19 (GMT + 7)

Tin dịch vụ - Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện/heroin bằng Methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008 đến nay. Chương trình này đã được chứng mình có hiệu quả cao trong cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghiện và gia đình giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy, giảm tội phạm …, đặc biệt là giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy/heroin.

Tuy nhiên, cũng vì hiệu quả như vậy, nhiều người nhầm tưởng Methadone là một thuốc đặc trị, khiến một số bệnh nhân điều trị mới được vài tháng hoặc 1 năm đã đề nghị được ra khỏi chương trình, một số khác cảm thấy nản chí khi nhận thấy cuộc sống chưa có thay đổi gì nhiều. Họ uống thuốc Methadone không đều và ngừng điều trị, một thời gian sau thì quay trở lại sử dụng ma túy/heroin như trước.

Vậy cần hiểu về thuốc Methadone, chương trình điều trị Methadone như thế nào cho đúng, và làm như thế nào để có được một kết quả khả quan nhất?

Các nghiên cứu khoa học đã minh chứng nghiện ma túy là bệnh lý mạn tính của não bộ được biểu hiện thông qua các vấn đề về thể chất (thực thể) và tâm lý. Chính vì thế một chương trình điều trị nghiện hiệu quả cần đáp ứng được cả hai mặt này. Trong khi đó thuốc Methadone có tác động chủ yếu về mặt thực thể giúp phục hồi những tổn thương ở não bộ do ma túy/heroin gây ra. Như vậy, bên cạnh việc uống thuốc Methadone hàng ngày bệnh nhân cần phải tham gia vào các hoạt động tư vấn nhằm phục hồi trạng thái tâm lý, hành vi. Nếu như bệnh nhân chỉ đơn thuần đến uống thuốc Methadone thì họ sẽ bị khuyết phần trị liệu về mặt tâm lý, nhận thức, hành vi.

Một khía cạnh quan trọng khác khi xét đến tính hiệu quả của việc điều trị Methadone chính là thời gian điều trị. Như đã trình bày ở trên, nghiện là bệnh mạn tính nên cần điều trị duy trì càng lâu càng tốt. Thời gian điều trị càng lâu, não bộ càng có thể phục hồi các chức năng đã bị tổn thương do việc sử dụng ma túy/heroin gây ra tốt hơn. Đây là lí do các bác sỹ khuyến nghị bệnh nhân nên điều trị duy trì tối thiểu là 12 tháng.

Ngoài ra,cũng như tất cả các loại thuốc khác, Methadone cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như táo bón, đổ mồ hôi, buồn ngủ…, điều quan trọng là bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc tư vấn viên để tìm giải pháp khắc phục. Trong suốt hơn 5 năm triển khai, chương trình điều trị Methadone đã mang đến rất nhiều tác động tích cực đối với bản thân bệnh nhân cũng như gia đình và xã hội, nhưng không thể nói “Methadone là thuốc tiên”. Chỉ có thể nói thuốc Methadone sẽ có cơ hội phát huy tối đa tính hiệu quả khi bản thân bệnh nhân và chương trình điều trị thỏa mãn ba điều kiện sau:

1) Uống Methadone mỗi ngày, hạn chế việc bỏ liều;

2) Tham gia đầy đủ các buổi tư vấn, giáo dục nhóm;

3) Đảm bảo thời gian điều trị lâu dài, tối thiểu là 1 năm.

Bản thân người nghiện, gia đình và cả những nhân viên cung cấp dịch vụ cần phải hiểu đúng về thuốc Methadone cũng như chương trình Methadone thì mới có thể đạt kết quả cao trong điều trị.