Cộng đồng nỗ lực đẩy lùi HIV/AIDS

Cập nhật ngày: 20/07/2016 15:13:11 http://www.baodongthap.vn/newsdetail..._HIV_AIDS.aspx

Đồng hành cùng người nhiễm HIV

ĐTO - Không ngại gian khó, chẳng sợ hiểu lầm, những người làm công tác phòng, chống HIV luôn đồng hành với người nhiễm HIV và người có nguy cơ nhiễm HIV. Ai cũng cùng chung mong muốn HIV/AIDS sớm được đẩy lùi và tất cả người nhiễm HIV được điều trị hiệu quả.


Đồng đẳng viên hướng dẫn người nhiễm HIV cách phòng ngừa lây nhiễm HIV


Không ngại gian khó, hiểu lầm


Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 5.600 trường hợp được phát hiện nhiễm HIV/AIDS và hơn 4.300 trường hợp còn sống. Trong khi ở Đồng Tháp, HIV chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục (hơn 87%) thì việc tiếp cận với gái mại dâm (GMD), đồng tính nam, những người có nguy cơ nhiễm HIV cao để tuyên truyền là hết sức quan trọng. Trước thực trạng này, đòi hỏi cần sự chung tay của các ngành, nhân dân, đặc biệt là lực lượng đồng đẳng viên (ĐĐV). Tỉnh hiện có 6 nhóm ĐĐV, mỗi nhóm 6 thành viên nữ được đặt tại 6/12 huyện, thị, thành.

Mặc dù mỗi ĐĐV phải “quản lý” hàng chục, thậm chí có thời điểm gần 200 khách hàng mà mình đã từng tiếp cận là việc không dễ dàng, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, các ĐĐV đều cho biết không ngại gian khó, thậm chí hiểm nguy, hiểu lầm. Để tiếp cận với GMD cũng như những người nhiễm HIV, ĐĐV phải đến trực tiếp nơi ở của khách hàng hoặc hẹn tại quán giải khát, khách sạn để phát bao cao su (BCS), vận động đi xét nghiệm HIV, tư vấn,... Với số tiền thù lao được trợ cấp mỗi tháng 500 ngàn đồng, có khi không đủ tiền xăng xe đi lại, tiền nước uống nhưng từ tấm lòng, các ĐĐV vẫn tất bật với nhiệm vụ của người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.

5 năm làm ĐĐV, chị Võ Tố Oanh, SN 1970 (chủ một cửa hàng kinh doanh tại phường 3, TP.Sa Đéc) đã không ít lần bị hiểu lầm. Chị kể, có lần vào nhà nghỉ phát BCS miễn phí cho GMD, người hàng xóm nhìn thấy rồi về nói với những người thân trong gia đình chị, khiến chị bị nghi ngờ vào nhà nghỉ làm chuyện không tốt, chị phải giải thích cho cả nhà hiểu. Lúc đầu, chồng chị cũng không muốn chị làm ĐĐV, nhưng dần dần anh cũng hiểu những gì chị làm là vì xã hội. Công việc của chị đôi khi hẹn 3 lần mới gặp được khách hàng, có khi đến nơi hẹn rồi khách hàng đổi địa điểm khác. Chị Oanh từng có người cháu nhiễm HIV, lại sử dụng ma túy nên sớm qua đời. “Trước sự ra đi của cháu, tôi thấy mất mát lớn lắm. Vì vậy, tôi muốn tuyên truyền những kiến thức về HIV/AIDS mà mình biết được đến những người nhiễm HIV và người có nguy cơ nhiễm HIV cao, đặc biệt là các bạn trẻ. Dù khó khăn đến đâu đi nữa, tôi vẫn cố gắng làm tốt công việc này” - chị Oanh chia sẻ.

Còn cô Võ Thị Ngọc Hương, sinh năm 1960 (ngụ phường 1, TP.Sa Đéc) cho biết cô tham gia nhóm ĐĐV được 14 năm, các thành viên trong nhóm thường xuyên đi đến các ngã ba, ngã tư phát BCS cho GMD, “khách làng chơi”. Có lần cô đi phát bơm kim tiêm cho các thanh niên nghiện ma túy nhiễm HIV thì bị một số người dân kêu lại phản đối, bảo làm như vậy là tiếp tay cho người nghiện ma túy. Cô phải giải thích, nếu không phát bơm kim tiêm cho người nghiện ma túy sử dụng riêng thì nguy cơ lây nhiễm HIV là rất cao. Nhưng kỷ niệm mà cô nhớ nhất là có năm vừa đón lễ giao thừa xong, có một thanh niên nghiện ma túy lại kêu cửa xin bơm kim tiêm nhưng cô vẫn mở cửa cho mà không kiêng kỵ ngày Tết. ĐĐV Phạm Thị Bích Liên ngụ phường An Lộc, TX.Hồng Ngự cho biết hiện chị “quản lý” 30 khách hàng, thời điểm Tết thì đông hơn gấp nhiều lần. Chị Liên cho biết, giờ hầu hết GMD nhiễm HIV đều biết chị, có những chuyện buồn phiền điện thoại rủ chị tâm sự. Có khi GMD còn thử thách nói: “Chị Liên nói HIV không lây truyền qua đường ăn, uống chung, ngủ chung giường, chị có dám thử không?”. Vậy là chị sẵn sàng để chứng minh những điều mình nói là đúng. Cũng có trường hợp chị đang uống nước với bạn thì một thanh niên chạy lại nhờ chị chỉ giùm cách sử dụng BCS.

Đánh giá về vai trò của các ĐĐV, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Công Đoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng, các ĐĐV hiện nay có vai trò rất lớn, họ thường xuyên động viên, tư vấn người nhiễm HIV, người có nguy cơ nhiễm cao và nhân dân để giảm kỳ thị. Thực tế là hiện nay trên địa bàn tỉnh từng bước đã giảm kỳ thị, đồng thời ĐĐV biết cách hướng dẫn mọi người phòng lây nhiễm HIV cho người khác.

Gỡ khó trước những thách thức mới


Hằng năm, tỉnh phát hiện khoảng 366 trường hợp nhiễm HIV mới. Như vậy, cứ mỗi tháng Đồng Tháp có trên 30 người nhiễm HIV mới. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh có xu hướng trẻ hóa nhóm tuổi ngày càng rõ rệt, người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi từ 25 - 49 chiếm 72 - 77%, tuổi từ 15 - 25 tuổi chiếm 12 - 18%, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, vì đều là lực lượng lao động làm ra của cải vật chất cho xã hội. Trước thực trạng này, đòi hỏi những người làm công tác phòng ngừa HIV/AIDS phải nỗ lực không ngừng.

Được biết đến năm 2017, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS sẽ chính thức chấm dứt, điều này cũng đồng nghĩa thuốc điều trị nhiễm HIV cũng không được hỗ trợ, người nhiễm HIV sẽ tốn nhiều chi phí trong điều trị nếu như không có bảo hiểm y tế (BHYT). Mặc khác, người nhiễm HIV vẫn đang đắn đo trước việc có nên mua BHYT hay không bởi nếu mua thì thông tin mình nhiễm HIV nghi ngại sẽ có nhiều người ở địa phương biết. Y sĩ Lê Thành Trung, cán bộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm Y tế TX.Hồng Ngự cho biết, hiện nay trung bình 10 người nhiễm HIV trên địa bàn thì chỉ có 2 người biết được thông tin năm 2017 sẽ cắt viện trợ thuốc ARV và cần mua BHYT để sau này có BHYT lãnh thuốc, giảm được đáng kể chi phí điều trị. Đa phần bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn thị xã đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc mua BHYT sẽ ảnh hưởng đến tài chính của người nhiễm HIV. Sắp tới, Trung tâm sẽ tập trung nhiều hơn công tác tuyên truyền đến người nhiễm HIV nên mua BHYT.

Hiện số bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị tại các phòng khám và điều trị ngoại trú tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh có thẻ BHYT chiếm chưa đầy 40% trong tổng số được điều trị, đây là tỉ lệ khá thấp. Theo bác sĩ Võ Công Đoàn, nguyên nhân khiến tỉ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT thấp do khó khăn về việc đăng ký mua BHYT thì phải mua theo diện cả gia đình, trong khi người nhiễm HIV đa số đời sống kinh tế khó khăn nên không mua được. Trung tâm sẽ tham mưu Sở Y tế điều tra lại những người nhiễm HIV đã có thẻ BHYT và chưa có BHYT để kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương giải quyết vấn đề BHYT cho người nhiễm HIV đang điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh.

Với sự nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS của các ngành, các cấp và nhân dân, tin rằng thời gian tới người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị tốt hơn, đảm bảo mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng dân cư.



Hữu Nghĩa