Pháp Luật VN
Trong ký ức của nữ y tá Hà Thị Đoa (SN 1970, ở Bản Đổ, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh các đợt dịch bệnh với la liệt người chết và những gương mặt ủ dột, đau đớn vì ốm đau, bệnh tật. Đó cũng là lý do chị quyết tâm sống chết với nghề y.




Thương lắm bản nghèo ơi!



Nhớ nhất là những đợt dịch sốt rét xảy ra vào những năm 1987-1988, bản trên, bản dưới người chết như ngả rạ. Riêng nhà chị, bản thân chị và hai chị gái cũng mắc bệnh. Lúc ấy, mọi người chả biết sốt rét là gì, chỉ biết người thì mệt mỏi, luôn ở tình trạng sốt cao, người chết nhiều vô kể. Khi ấy, tình trạng người dân đẻ con ở nhà, trên nương rẫy hay trên đường đi làm nương là chuyện thường ngày ở phố huyện.


Từ không biết đến tò mò và quyết tâm học tập để cứu dân bản là con đường rất gần với chị. Chính vì lẽ đó, sau khi học hết cấp 3, Hà Thị Đoa đã đăng ký theo học lớp sơ cấp y tá (năm 1992-1993). Năm 1994, sau khi tốt nghiệp lớp y tá, chị Đoa về làm việc tại trạm y tế xã nhà. Đó cũng là thời điểm dịch bệnh sốt rét hoành hành dữ dội ở địa phương, tiếp theo đó nữa là dịch cúm. Lúc đó, trạm y tế chỉ có vỏn vẹn 3 người (1 trạm trưởng, 1 trạm phó và 1 y tá là chị). Vì neo người nên tất tật mọi việc (từ tiêm chủng, đến khám chữa bệnh và phòng chống dịch…) đều đến tay chị.


Mát tay đỡ những mầm sống



Ấn tượng nhất trong cuộc đời làm y tá của chị Đoa chính là những ca đẻ khó. Lúc bấy giờ, người dân vẫn chưa có kiến thức về sinh đẻ nên có đến trên 70% trường hợp sinh con tại nhà. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần là do thói quen, một phần do nhận thức còn hạn chế và phần lớn là do đường sá không thuận lợi.


Xã có 6 bản thì có tới 3 bản ở bên kia sông, phương tiện duy nhất để di chuyển là chiếc thuyền lá. Chính vì lẽ đó, nhiều trường hợp đau đẻ lắm rồi nhưng không thể lên trạm y tế đẻ. Có trường hợp mời cán bộ y tế đến đỡ đẻ nhưng khi cán bộ y tế đến nơi thì đứa bé đã chào đời.


Ca đẻ khó đầu tiên mà y tá Hà Thị Đoa gặp là một trường hợp thai to, ngôi ngược. Lúc đó, vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ nên chị lo sợ đến “hồn phiêu phách lạc”. Không chỉ chị mà một người đã có thâm niên đỡ đẻ nhiều ca khó là trạm trưởng trạm y tế cũng tỏ ra khá lúng túng.
Nhưng tính mạng của hai mẹ con sản phụ là trên hết nên sau một hồi lấy lại bình tĩnh, dựa vào kinh nghiệm và niềm tin của bản thân, chị Đoa đã hỗ trợ họ “mẹ tròn con vuông”. Hơn một giờ đồng hồ đầy căng thẳng vật lộn với tử thần, với chất chồng lo lắng và trở trăn, cuối cùng kiến thức, kinh nghiệm và sự tự tin đã chiến thắng.


Nhìn những giọt mồ hôi vẫn còn đọng lại trên mí mắt và nụ cười rạng rỡ của người mẹ trẻ mà chị Đoa sung sướng, cảm động trào nước mắt.


Trong các hoạt động dự phòng bệnh thì tiêm chủng được xem là công tác trọng tâm của y tế cơ sở. Để tránh không bỏ sót đối tượng tiêm chủng, chị Đoa phải đi xuống tận các bản để điều tra, thống kê số trẻ em đến độ tuổi tiêm chủng, từ đó tuyên truyền và động viên các gia đình đưa con em đi tiêm chủng.


Bên cạnh đó, y tá Hà Thị Đoa luôn sát sao trong việc tư vấn và khám sàng lọc. Trường hợp nào không thể tiêm chủng được chị sẽ tư vấn dừng tiêm để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tai biến. Nhờ những kinh nghiệm và sự tận tâm, nhiệt tình trong công việc chuyên môn của chị, tỷ lệ tiêm chủng ở xã luôn đạt 96-97% (cách đây 10 năm tỷ lệ này chỉ đạt 70-80%).


Ngoài ra, trong quá trình tiêm chủng cũng không có trường hợp nào xảy ra tai biến. Các dịch bệnh (tiêu chảy cấp, tay chân miệng…) được dập tắt kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.



Chị Hà Thị Đoa.


Tuyên chiến với đại dịch AIDS



Là nơi trung chuyển ma túy từ Sơn La, Điện Biên về Hà Nội nên cùng với các dịch bệnh, Quan Hóa, (Thanh Hóa) cũng phải đối mặt với những hậu họa của thứ chất độc đáng sợ này. Trước năm 2006, chị Đoa cũng như bà con dân bản đều không biết gì về căn bệnh AIDS. Cho đến khi ca nhiễm HIV đầu tiên xuất hiện ở bản mọi người mới lờ mờ hiểu về dịch bệnh nguy hiểm này.


Chị Đoa cho biết, một ca, hai ca rồi một loạt trường hợp tử vong vì AIDS đã dấy lên mối lo ngại vô cùng lớn đối với người dân nơi này. Hầu như các trường hợp nhiễm HIV ở đây đều có liên quan đến ma túy. Không chỉ các ông chồng nghiện chích ma túy bị nhiễm, mà vợ và các con của họ cũng lây nhiễm HIV từ chồng và cha mẹ chúng. Một xã nghèo như vậy, với những bản làng quanh năm người dân chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà từ năm 2006 đến nay có tới gần 60 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 9 phụ nữ và 2 trẻ em.


Trước thực trạng này, nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh đã được triển khai tại xã, không ít dự án can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS cũng về với các bản làng thuộc địa bàn. Và đương nhiên, y tá Hà Thị Đoa và các đồng nghiệp của mình lại phải “ôm” thêm một núi công việc. Nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này cũng rất lớn.


Tuy nhiên, không đành lòng nhìn bà con dân bản đi vào chỗ chết, chị Đoa vẫn lăn sả vào công việc, để rồi chị đành phải tự động viên mình: “Nếu mình đỡ đẻ hay chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đúng quy trình, dùng dụng cụ bảo hộ… thì không dễ dàng lây nhiễm bệnh. Trường hợp không may bị tai nạn nghề nghiệp thì cũng đành chấp nhận điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV”.


Từ ngày dự án phòng chống HIV/AIDS về xã, chị Đoa lại như con thoi đi hết bản này đến bản kia để truyền thông phòng chống AIDS; tư vấn xét nghiệm, hướng dẫn điều trị và dự phòng cho người dân. Vì đây là căn bệnh “đặc biệt” (có thể lây lan và tử vong) đối tượng mắc cũng rất “đặc biệt” (chủ yếu là người nghiện chích ma túy) nên việc tiếp cận với họ để cung cấp các dịch vụ dự phòng và điều trị là không hề đơn giản.


Nhưng chị không hề nản, cứ thế “một mình một ngựa”, tùy điều kiện đường xá, lúc thì xe máy, khi thì xe đạp, thậm chí là cuốc bộ, y tá Đoa lại “mua” thêm việc vào người. Đôi chân chai sạn của chị lại tiếp tục trèo đèo, vượt suối để góp phần xua đi “con ma” bệnh tật ra khỏi các bản làng, mang niềm vui đến cho họ.


Thời điểm chúng tôi đến cũng là lúc chị và các đồng nghiệp của mình đang nỗ lực, miệt mài mang chương trình điều trị 2.0 (đưa các dịch vụ tư vấn, dự phòng, điều trị HIV đến tận xã) về cho bà con dân bản…


Đoan Trang