Hà Nội chuẩn bị triển khai Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS

Thứ bảy 08/11/2014 15:00
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014, với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.


Trong tháng hành động sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo; Luật phòng, chống HIV/AIDS; chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012 - 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác; các hội nghị, hội thảo với lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các khu dân cư,… về tăng cường các can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có hành vi nguy cơ cao; tổ chức các hoạt động truyền thông, lễ ra quân phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS;


Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, dự kiến vào ngày 30/11/2014; lễ mít tinh phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp,…) được tổ chức đồng loạt vào cùng một thời điểm dự kiến ngày 30/11/2014.Việc tăng cường các hoạt động truyền thông và vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS, tiếp tục chú trọng đến những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt, chú trọng truyền thông về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV.

Đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao; tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức truyền thông có hiệu quả khác như đội tuyên truyền lưu động, đội chiếu bóng lưu động, các cuộc thi tìm hiểu phòng, chống HIV/AIDS,… phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị,…

Cùng với đó, tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng;…