Chương I
NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ HIV/AIDS
Câu 1. HIV/AIDS là gì?
Trả lời:
HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây ra suy giảm miễn dịch ở người, làm suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh cho cơ thể người.
AIDS là chữ viết tắt của cụm từ Tiếng Anh (Accquired Immunodeficiency Syndrome) là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, ung thư và có thể dẫn đến tử vong.
Câu 2 Xin cho biết thế nào là HIV dương tính?
Trả lời:
Người có HIV dương tính có nghĩa là kháng thể chống lại vi rút HIV được tìm thấy trong máu/dịch sinh học của người đó. Xét nghiệm máu tìm HIV có thể xác định được điều này.
Câu 3. Xét nghiệm HIV là gì? Trong thời gian bao lâu thì biết được kết quả xét nghiệm?
Trả lời:
Xét nghiệm HIV là việc lấy một mẫu máu/mẫu dịch sinh học và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định có kháng thể kháng vi rút HIV trong mẫu máu, mẫu dịch sinh học của cơ thể đó hay không. Nếu xét nghiệm dương tính với kháng thể HIV thì có nghĩa là có HIV tồn tại.
Tuỳ theo quy định từng cơ sở y tế, nhưng thông thường từ 3-10 ngày kể từ ngày lấy máu xét nghiệm, trong trường hợp kết quả xét nghiệm HIV âm tính (không phát hiện thấy có kháng thể) thì có thể được nhận kết quả sớm hơn. Để chắc chắn và yên tâm hơn nếu kết quả âm tính, bạn vẫn nên đi xét nghiệm lại sau 3 - 6 tháng. Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, trong thời gian này, bạn nên tiếp tục thực hiện các hành vi dự phòng HIV thông thường như kiêng quan hệ tình dục, chung thuỷ với một bạn tình và luôn sử dụng và sử dụng bao cao su đúng cách và không dùng chung bơm kim tiêm…
Câu 4. Xin cho biết thế nào là giai đoạn cửa sổ?
Trả lời :
Giai đoạn "cửa sổ" là khoảng thời gian từ lúc cơ thể nhiễm HIV cho đến khi cơ thể sinh ra kháng thể chống lại HIV (gọi tắt là kháng thể HIV). Giai đoạn này xuất hiện vào khoảng 3 đến 6 tháng sau khi nhiễm HIV. Trong giai đoạn cửa sổ, hệ thống miễn dịch chưa sản sinh ra được kháng thể HIV hoặc chưa đủ số lượng kháng thể cần thiết nên các xét nghiệm để tìm kháng thể HIV sẽ không phát hiện được và kết quả trả lời là "âm tính".
Đây là giai đoạn "nguy hiểm" bởi không phát hiện được người nhiễm HIV qua các xét nghiệm tìm kháng thể HIV. Mặc dù thật sự họ đã bị nhiễm HIV và họ hoàn toàn có thể "vô tình" truyền bệnh cho người khác mà không hề biết.
Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng tuỳ từng người. Vì vậy nên đi xét nghiệm máu lại sau 6 tháng để phát hiện tình trạng nhiễm HIV.


Câu 5. HIV có thể lây truyền qua những con đường nào?
Trả lời:
Virút HIV có mặt trong các dịch cơ thể và có thể truyền từ người này sang người khác qua chất tiết, dịch âm đạo, máu bị nhiễm virút và sữa mẹ. HIV chủ yếu lây truyền qua 3 đường: Quan hệ tình dục không được bảo vệ với một người có HIV dương tính, dùng chung dụng cụ tiêm chính (bơm kim tiêm) và lây truyền từ mẹ có HIV dương tính sang con.

1. Lây truyền qua đường tình dục
HIV có thể truyền qua đường âm đạo hoặc hậu môn hoặc đường miệng khi quan hệ tình dục với người nhiễm HIV nhưng không dùng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai có thể làm tăng khả năng lây nhiễm HIV và làm suy yếu hệ thống miễn dịch nhanh hơn (thúc đẩy nhanh quá trình từ nhiễm HIV sang giai đoạn AIDS).

Làm thế nào để dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục?
Nguyên tắc chung là thực hiện hành vi tình dục an toàn và sử dụng đúng cách bao cao su khi có quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và đường miệng.
Nguy cơ lây truyền HIV có thể giảm nếu bạn:
- Không quan hệ tình dục khi chưa lập gia đình, hoặc trì hoãn lần quan hệ tình dục đầu tiên; Thực hiện nguyên tắc chung thủy một vợ một chồng;
- Luôn sử dụng bao cao su và không quan hệ tình dục với nhiều người hoặc giảm số bạn tình.
2. Lây truyền qua đường máu
- HIV có thể dễ dàng lây truyền qua việc dùng chung các dụng cụ bơm kim tiêm với người nhiễm HIV. Dùng chung các vật dụng sắc nhọn khác (như dao cạo râu, bàn chải đánh răng ...) cũng có thể lan truyền HIV.
- Truyền máu và các chế phẩm máu có HIV (chưa qua xét nghiệm sàng lọc HIV hoặc có sàng lọc nhưng còn trong giai đoạn "cửa sổ").
- Sử dụng các dụng cụ tiêm, chích qua da đã có tiếp xúc với máu/dịch nhiễm HIV mà chưa được vô khuẩn triệt để như: Bơm kim tiêm, kim châm cứu, kìm nhổ răng, kim xăm, dụng cụ bấm lỗ tai, dao cạo râu hoặc những vật sắc nhọn khác khi tiếp xúc không may gây chảy máu hay trầy xước da.
- Bị dính máu của người nhiễm HIV vào da, niêm mạc, nhất là những nơi có vết thương hở hoặc xây sát là nơi HIV có thể xâm nhập trực tiếp vào máu…


Trong các nguyên nhân nêu trên thì nguyên nhân bị lây nhiễm do dùng chung bơm kim tiêm chích ma túy với người bị nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất trong việc làm tăng tỷ lệ nhiễm HIV tại Việt Nam.
Biện pháp phòng, chống lây truyền HIV qua đường máu:
- Không dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da đã tiếp xúc với máu và dịch sinh học;
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người khác;
- 100% các túi máu, chế phẩm máu phải được xét nghiệm sàng lọc HIV;
- Thực hiện nghiêm công tác vô trùng, tiệt khuẩn các dụng cụ y tế theo quy định.
3. HIV lây từ mẹ sang con như thế nào và cách dự phòng?
- Mẹ nhiễm HIV có khả năng truyền cho con trong thời gian mang thai, trong khi sinh hoặc cho con bú. Truyền từ mẹ sang con là đường truyền phổ biến nhất gây ra nhiễm HIV ở trẻ em. Mẹ truyền HIV cho con trong giai đoạn mang thai (trong tử cung), trong cuộc đẻ (khi bào thai tiếp xúc với máu và nước ối của mẹ trong khi đẻ tự nhiên) và qua sữa mẹ.
- Không phải bà mẹ nào nhiễm HIV cũng sẽ truyền vi rút cho con. Nếu không được điều trị thích hợp khoảng 25-30% (một trong 3 hoặc 4) bà mẹ mang thai có nhiễm HIV sẽ truyền vi rút cho con của họ. Rất may là hiện nay đã có thuốc kháng vi rút hoạt động rất tốt nhằm ngăn chặn sự lan truyền vi rút. Nếu bà mẹ sử dụng các thuốc này trong giai đoạn mang thai, sau khi sinh và con của họ khi sinh ra cũng được dùng thuốc ngay thì tỷ lệ truyền từ mẹ sang con sẽ có thể giảm từ 25% xuống còn khoảng 2% (ít hơn 2 trong 100 người). Thường xuyên xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai và cho họ thuốc kháng vi rút nếu bị nhiễm có thể làm giảm một cách đáng kể số trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV.
Câu 6. Xin cho biết khả năng tồn tại của HIV bên ngoài cơ thể người như thế nào? Làm thế nào để xử lý an toàn đối với những vật dụng có vi rút HIV?


Trả lời:
1. Khả năng tồn tại của vi rút HIV ngoài môi trường tự nhiên:
- HIV là một vi rút yếu. Nó không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể. Trong một số điều kiện phòng thí nghiệm nghiêm ngặt và có kiểm soát, vi rút HIV có thể tồn tại trong vài ngày thậm trí là vài tuần. Tuy nhiên HIV không thể nhân lên bên ngoài cơ thể sống, ngoại trừ trong một số điều kiện hết sức hạn chế do đó nó không có khả năng lây nhiễm khi ở ngoài cơ thể;
- Nếu một vật dụng hoặc một bề mặt bị nhiễm hoặc dính với các dịch thể sinh học như máu, thì có thể dễ dàng xử lý an toàn bằng các qui trình lý hoá như đun sôi, hấp, sấy hoặc sử dụng các hoá chất diệt khuẩn.
2. Xử lý đối với những vật dụng có chứa HIV (ví dụ như trong môi trường bệnh viện hay chăm sóc tại hộ gia đình):
Để đảm bảo an toàn, bất kỳ dụng cụ hay bề mặt nào bị nhiễm HIV cũng phải được xử lý bằng các chất diệt khuẩn có hiệu quả.
Bạn có thể áp dụng một trong các phương pháp tiệt khuẩn dưới đây:
- Luộc sôi trong thời gian 20 phút kể từ khi nước sôi;
- Hấp ướt ở nhiệt độ 121oC, 2 atm. trong 20 phút;
- Hấp khô ở nhiệt độ 170oC trong 2 giờ;
- Ngâm 30 phút trong các dung dịch hoá chất diệt khuẩn sẵn có như dung dịch có chứa Clo (Chloramin B 0,5%) cồn Ethanol 70% hoặc Betadine (Providon Iodin 2,5%).