16/7/2014 10:18
"Tôi bị nhiễm HIV từ chồng 8 năm trước. Tôi biết, một số người nhiễm HIV có ý định "trả thù đời" một phần cũng do sự kỳ thị. Người bệnh chưa chết vì bệnh nhưng có thể chết vì bị kỳ thị. Song lẽ nào cứ lẩn tránh mãi? Tôi đã vượt qua những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời và vươn lên giúp người". Trong căn nhà nhỏ ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, chị Trần Thị Thu Mai mở đầu câu chuyện về mình như thế.


Mua bán phế liệu là công việc mưu sinh hằng ngày của Mai.
Vượt qua bóng tối

"Chồng bệnh AIDS, chắc cô ấy cũng nhiễm HIV rồi!". Lời xầm xì của các y tá như sét đánh ngang tai, khiến Mai chết điếng. Nửa tháng sau, chồng Mai chết vì căn bệnh thế kỷ tại quê anh (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Mai đau đớn nghĩ: "Rồi mình cũng sẽ như vậy sao? Sẽ về bên kia thế giới khi tuổi đời còn quá trẻ, với thân thể đầy u hạch?".

Kết quả xét nghiệm HIV dương tính càng làm cho Mai tuyệt vọng. Mai biết mình đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Có một thời gian trước và sau khi cưới, anh vô
TP Hồ Chí Minh làm thợ hồ. Mai không muốn truy tìm nguyên nhân khiến chồng mình lây bệnh, bởi có biết cũng chẳng để làm gì. Thương con thơ mới tròn một tuổi, thương mẹ già tuổi ngoài 60 lại hay đau bệnh, có lúc Mai nghĩ đến cái chết. "Tôi định tự tử cho xong, vì sợ khi lâm bệnh nặng, mẹ càng khổ hơn", Mai thổ lộ.

Đớn đau như vậy, song Mai chẳng được yên bởi mẹ chồng chị không chịu chấp nhận sự thật và cứ khăng khăng rằng chính Mai đã lây bệnh sang con trai bà. Ở quê Mai, nhiều người cũng xì xào bàn tán về việc cô bị nhiễm HIV. Không chịu được sự kỳ thị, phân biệt đối xử của bà con lối xóm, Mai nhốt mình trong 4 bức tường. Chị nhớ lại: "Tôi đến nhà hàng xóm uống nước, vừa đi khỏi thì họ đem đổ cả thùng nước. Khi tôi ngồi sát bên ai đó, họ đều tìm cách tránh xa...".

Trong những ngày tháng đen tối đó, Mai tựa vào niềm hy vọng duy nhất là con mình không mắc phải căn bệnh như cha, mẹ. Thật may mắn, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bé Ngọc (SN 2005) không nhiễm HIV. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao, giúp chị có thêm nghị lực để tiếp tục đương đầu với cuộc sống. Mai tìm đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên để được tư vấn sức khỏe, cung cấp thông tin và hỗ trợ về mặt tinh thần.

Từ ngày mẹ bệnh ung thư (tháng 10-2010), Mai vất vả rất nhiều, hàng tháng phải đưa mẹ vô TP Hồ Chí Minh tái khám. Đợt mẹ phẫu thuật, Mai chăm sóc mẹ đến hai tháng tại Bệnh viện Ung bướu. Mai bảo, ở đó chẳng ai biết chị nhiễm HIV. Lúc nào trước mặt mẹ, chị cũng phải tươi tắn để mẹ an tâm. Chị giúp mẹ và giúp những người bệnh khác nằm cùng phòng. Mai vẫn tiếp tục theo nghề mua bán phế liệu, mỗi ngày kiếm chừng 15 đến 20 ngàn đồng. Bé Ngọc chuẩn bị vào lớp 4. Thương con, ngày ngày Mai đưa đón đi học và lúc ở nhà, Mai còn là cô giáo của con.

5 năm trước, lần đầu tiên Mai mạnh dạn kể câu chuyện của chính mình tại hội thảo chuyên đề "Đại biểu HĐND với công tác phòng, chống HIV/AIDS" ở Phú Yên, làm nhiều người rơi nước mắt. Ở đó, Mai gặp chị Phạm Thị Huệ. Được nghe chị Huệ kể về cuộc đời, về những cống hiến cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Mai ước sao mình cũng làm được một phần việc nhỏ nhoi để giúp người nhiễm HIV/AIDS vượt qua những ngày tháng đau khổ và xóa bỏ sự kỳ thị.

Biết Mai nhiễm HIV, có người nói nếu như Mai, họ sẽ làm cho khối thằng biết thế nào là đau đớn. Nhưng Mai nghĩ khác: Nếu mình truyền bệnh cho họ, họ sẽ lây cho vợ, cho con. Để rồi những phụ nữ vô tội trở nên bất hạnh; những đứa trẻ vô tội sẽ không nơi nương tựa, đùm bọc. Lúc ấy, mình chết đi cũng còn mang tội.

Sẻ chia giữa dòng đời

Mai nói: "Tôi thấu hiểu cảm giác của những người vợ có chồng nhiễm HIV, người phụ nữ đáng thương vô tình mắc HIV. Vì thế, tôi quyết định trở thành một đồng đẳng viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS".

Nơi Mai ở cách TP Tuy Hòa hơn 20 cây số, phương tiện đi lại của Mai chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch. Hằng ngày, chị len lỏi, tiếp cận các nhà nghỉ, khách sạn hay các tụ điểm "nhạy cảm" để làm quen, giao lưu với các chị em bán dâm nhằm tư vấn, hướng dẫn cho họ cách sử dụng bao cao su và các vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe phụ nữ; thực hiện hành vi tình dục an toàn phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Bằng câu chuyện xúc động của chính mình, Mai đã thành công trong tư vấn.

Mai tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho các bạn trẻ.
Có những người mới phát hiện mắc bệnh, họ ngại và bất an. Mai đến động viên, chia sẻ, giúp họ đứng lên. Chị Bình đã từng uống thuốc tự tử vì hoàn cảnh bất hạnh, nhưng nhờ sự động viên, thăm nom của Mai, chị đã giảm bớt mặc cảm và chọn việc làm phù hợp để sống có ý nghĩa. Vợ chồng chị Thứ, cả hai nhiễm HIV, tình cờ gặp Mai tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên, nghe xong câu chuyện về Mai, họ trở nên thân thiết.

Từ ngày tham gia truyền thông, Mai đọc nhiều tài liệu để hiểu biết thêm về HIV/AIDS. Mai luôn có mặt trên các diễn đàn, các cuộc thi về phòng, chống HIV/AIDS trong tỉnh và khu vực. Những câu chuyện tâm tình ***g gắn nội dung về cách phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng; trách nhiệm của cá nhân vì sự an toàn cho mọi người; hậu họa của căn bệnh thế kỷ đang gieo vào bao gia đình... đã được Mai truyền đến. Mai nói: "Làm truyền thông, tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Mỗi người một thái độ, người xa lánh, người e dè, có người lại bất cần... Nhưng sau một thời gian, người ta hiểu được, nên bây giờ việc làm của tôi đã ổn".

Nói về Mai, chị Lê Thị Minh Chính, nhân viên tiếp cận cộng đồng, chia sẻ: "Mai rất có nghị lực, luôn vì mọi người, vì xã hội. Mai hy sinh để những người chưa mắc bệnh biết cách phòng, tránh. Mai cống hiến hết lòng, nên mọi người trong nhóm rất thương em. Thương Mai, chúng tôi càng quyết tâm hạn chế sự phát triển của đại dịch HIV/AIDS. Mong mọi người ủng hộ Mai trên mỗi bước đường của cuộc hành trình phòng, chống căn bệnh thế kỷ".

"Tôi muốn dang rộng vòng tay để giúp những người nhiễm HIV tự tin hơn trong cuộc sống, lấy lại nụ cười trên khuôn mặt của họ". Tinh thần ấy của Mai đã "cuốn hút" nhiều người. Mai hiện là người bạn thân thiết của Câu lạc bộ nhiếp ảnh Sông Ba (Phú Yên). Với Mai, đây thật sự là niềm vui lớn vì ở đó mọi người sống chan hòa, không kỳ thị. Còn với các thành viên trong câu lạc bộ, chị là hình ảnh đích thực của sự vươn lên, của nghị lực sống để họ tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh về chị, để xã hội bớt đi kỳ thị; những người mắc bệnh không còn tự ti..
Theo bienphong.com.vn