23/04/2014 08:00 GMT+7
Lâm “cu li”

Lão tên là Lâm, mọi người vẫn quen gọi là Lâm “cu li”, vì lão làm công việc bốc vác tại chợ đêm.Cứ vào lúc tờ mờ 2 - 3h sáng, lão đã có mặt đúng giờ đúng điểm để bê vác, vận chuyển hàng hóa cho các hộ buôn bán, công việc không kiếm được bao tiền lại nặng nhọc, nhưng lão rất vui, rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.


Ai cũng thấy ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, lão hớn hở bê bê vác vác, vừa cười vừa đùa trêu trọc người khác, nhìn lão có khi mệt mỏi quá đứng thở dốc nhưng lại tiếp tục năng nổ làm việc, mà ai cũng tò mò: “Không hiểu lão lấy đâu ra năng lượng mà nhiệt huyết với công việc này như vậy?”. Có người hỏi lão câu đó, lão chỉ cười không nói, mắt nhìn đăm đăm về phía chân trời, dường như đang suy nghĩ về một thời xa xôi nào đó.

Hai mươi năm trước đây, lão từng là một công tử ăn chơi không tiếc tiền, cha mẹ buôn bán có tiếng ở đất Hà Thành, nhà cửa, đất đai trải rộng khắp nơi, lão là con út lại là con trai độc đinh, được nuông chiều từ bé. Thời thanh niên, lão không chịu học hành gì, chỉ suốt ngày la cà với đám bạn xấu, ăn chơi lêu lổng, đến khi dẫn đến nghiện ngập thì đời lão coi như xuống dốc không phanh. Tài sản dần dần đội nón ra đi, cha mẹ lão buồn khổ mà sinh bệnh, ngày lão vào tù vì tội trộm cắp ô tô thì cha lão bị nhồi máu cơ tim rồi mất luôn. Mẹ lão ốm yếu, cố cầm cự một năm sau cũng mất.

Lão ân hận thì đã muộn, chưa một ngày phụng dưỡng cha mẹ lại khiến cha mẹ đến chết vẫn còn đau đáu về đứa con phá gia chi tử là lão. Những giọt nước mắt đau đớn, hối hận muộn màng của lão lặng lẽ rơi trong gian phòng nhà tù, thời gian không thể quay lại.

Ngày lão ra tù, không một ai để ý đến lão, các chị lão coi như không có thằng em “mất dạy” này, có ai thích liên lụy đến một người bị xã hội khinh miệt như lão đâu? Lão quỳ trước bàn thờ cha mẹ cả một ngày, đôi mắt nhìn sâu vào hai bức di ảnh thật lâu, loạng choạng đứng lên, lão bước ra ngoài cửa, đôi mắt nhòe lệ nhưng lóe lên chút ánh sáng của hy vọng. Và lão làm lại cuộc đời, làm lại từ con số 0, không nhà, không người thân, không bạn bè, không nghề nghiệp, không tiền bạc.

Những bước chân lão lang thang không định hướng, lão dừng chân lại trước cổng chợ đêm, ngẩng mặt nhìn lên lên bầu trời đen thăm thẳm và tự nhủ với lòng mình: “Ta sẽ bắt đầu lại từ đây”, rồi lão tự mỉm cười, đã lâu rồi lão không cười, ánh mắt lão trong suốt, sáng lấp lánh giữa đêm đen mù mịt.
Lão nhìn cuộc sống hàng ngày với hàng nghìn mảnh ghép cuộc đời và lão cảm nhận rõ sự thay đổi của bản thân mình. Ảnh minh họa
Lão làm việc ở cái chợ đêm này đã tròn 15 năm, lão không có vợ con, không phải vì lão không lấy được vợ, xã hội đã sớm quên tội nghiệt của lão, mà vì lão thấy mình không xứng là một người con thì cũng không đáng làm một người cha, có vẻ hơi cực đoan, nhưng đó là sự trừng phạt lão dành cho mình. Cả ngày đêm lăn lộn ngoài chợ, lão cũng kiếm được tiền, nhưng kiếm được bao nhiêu lão lại dành dụm gửi cho trung tâm từ thiện bấy nhiêu, phần lão ăn uống đơn sơ giản dị đã thành quen, vừa ngủ tạm vừa trông coi gian hàng của một hộ buôn bán cũng coi như có chỗ nghĩ ngơi.

Lão không cần gì cả. Lão thấy mình còn lao động được bằng sức mình, tự nuôi sống mình và giúp đỡ được những người khác đã là quá đủ, quá hạnh phúc. Lão yêu cái chợ đêm này, cũng như những con người ngược xuôi vất vả mưu sinh. Tất cả là cuộc sống của lão.

Ngày ngày, lão nhìn đôi vợ chồng già bán bánh cuốn đầu cổng chợ mà cảm thấy được sự ấm áp của gia đình, hiểu thế nào là sự gắn bó đến “đầu bạc răng long”. Lão nhìn các đôi trẻ tíu tít cầm tay nhau chọn mua đồ mà cảm thấy sự hưng phấn, nông nổi của tuổi trẻ. Lão nhìn hàng hóa bày bán khắp nơi mà cảm thấy hân hoan về cuộc sống no ấm, yên bình, đủ cái ăn cái mặc. Lão nhìn những cụ già ăn xin, những đứa trẻ bơ vơ côi cút, những người bị tật nguyền mò mẫm đi trong chợ để cầu xin sự hảo tâm của người đời mà cảm nhận được sự xót xa và bất lực trước nhiều hoàn cảnh khó khăn, rồi lão cảm khán: “Đời mình vẫn nhiều may mắn lắm!”.

Cũng có khi, lão nhìn những bà những cô vì tranh nhau chỗ bán hàng mà la hét, chửi mắng, đánh nhau chợt thấy lòng nao nao buồn, lão dần hiểu ý nghĩa của chữ “nhẫn”, một điều nhịn chín điều lành, nhiều khi chỉ một phút không kịp nhẫn nhịn mà có rất nhiều thứ mất đi không lấy lại được, nhất là tình cảm con người.

Lão nhìn cuộc sống hàng ngày với hàng nghìn mảnh ghép cuộc đời và lão cảm nhận rõ sự thay đổi của bản thân mình. Giờ lão có thể tự hào đứng trước di ảnh cha mẹ mình mà nói: “Cha mẹ, con đã trưởng thành, con là người tốt, xin cha mẹ yên lòng nhắm mắt”. Tâm lão thật thanh thản.

Lão đã tính sẵn đường lui cho cuộc đời mình, sau này khi sức yếu, không còn đủ sức làm công việc này, lão sẽ vào chùa, xin làm chân quét dọn để hưởng nốt cái thọ tuổi già. Cuộc đời lão thế cũng coi như trọn vẹn. Cuộc sống này, lão đã đi qua đủ những thăng trầm, đôi mắt mù mờ, mê muội vì hưởng thụ ngày nào của lão đã ngày trở nên sáng suốt và minh bạch hơn, có lẽ vì nó được gột rửa theo năm tháng, gột rửa bằng nước mắt và bằng những cảm nhận sâu sắc từ cuộc sống này.

Một ngày trời mùa thu thật đẹp, nắng vàng dịu dàng và bầu trời xanh trong vắt, lão vẫn đứng trước cổng chợ, ngước đôi mắt đã có thêm nhiều nếp nhăn lên bầu trời mà mỉm cười hạnh phúc. Cái nhìn của lão về cuộc sống giờ nhuộm sắc thái lạc quan và tràn đầy niềm vui. Hiện tại và sau này, lão vẫn là Lâm “cu li” trong tiếng gọi thân thương của bà con chợ đêm.

http://vietnamnet.vn/vn/hop-tac/doi-...m--cu-li-.html