Đẩy mạnh loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Thứ Hai, 17/11/2014, 20:59 (GMT+7)
Ngoài đường máu và đường tình dục, từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Theo nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới WHO, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 30-40 trẻ bị lây nhiễm. Nhưng ngược lại, nếu 100 bà mẹ đó được điều trị và chăm sóc dự phòng sớm từ khi mang thai, đầy đủ và đúng cách thì chỉ có khoảng 2-5 trẻ sinh ra nhiễm HIV, điều này đồng nghĩa với có tới 95 trẻ hoặc nhiều hơn nữa khi sinh ra không nhiễm HIV từ mẹ.

Là một nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (PLTMC) góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng của tỉnh Bình Định. Với mục tiêu đảm bảo 100% phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV, 100% trẻ em nhiễm HIV hoặc phơi nhiễm với HIV được quản lý, chăm sóc và điều trị ARV, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã và đang lồng ghép, phối hợp chặt chẽ các hoạt động từ tỉnh đến cơ sở để cung cấp các dịch vụ PLTMC. Các hoạt động dự phòng bao gồm: dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phòng tránh thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV; các can thiệp cho PNMT nhiễm HIV như tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng ARV; các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho PNMT nhiễm HIV và con của họ sau sinh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường tập huấn cho cán bộ các ban ngành, đoàn thể cũng như cán bộ y tế về PLTMC.

Trong “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” năm 2014, Trung tâm đã triển khai hoạt động truyền thông, phổ biến rộng rãi các thông điệp, gói dịch vụ về PLTMC và địa chỉ cung cấp dịch vụ tại địa phương. Đặc biệt, chú trọng hướng dẫn các tuyến chủ động tư vấn, xét nghiệm HIV cho PNMT, thực hiện tốt quy trình chăm sóc, điều trị dự phòng và giới thiệu chuyển tuyến cho thai phụ bị nhiễm HIV để được cung cấp dịch vụ kịp thời, hiệu quả.

Từ đầu năm đến tháng 9.2014, toàn tỉnh có 3.459 PNMT được xét nghiệm HIV tự nguyện, trong đó số phụ nữ được xét nghiệm trong thời kỳ mang thai là 1.376 và số PNMT được xét nghiệm trong thời kỳ chuyển dạ là 2.083; có 1 trường hợp PNMT nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV. Từ trước đến nay có 14 PNMT nhiễm HIV được điều trị PLTMC, đã xét nghiệm HIV sớm cho 11 trẻ dưới 18 tháng tuổi, kết quả 11/11 trẻ âm tính.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều PNMT chưa tiếp cận được với các dịch vụ PLTMC. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu thông tin, kiến thức về HIV/AIDS nói chung và kiến thức về PLTMC nói riêng nên không chủ động tìm đến dịch vụ. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản khiến PNMT ngại tiếp cận dịch vụ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động PLTMC. PNMT cần phải sớm biết tình trạng nhiễm HIV của mình bằng cách tiếp cận sớm với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện để được điều trị ARV kịp thời và dự phòng lây truyền sang con.

NGUYỄN THỊ LÊ NGHI
http://www.baobinhdinh.com.vn/